“Tiêm kích Su-57 bắt đầu được triển khai tại Ukraine khoảng 2-3 tuần sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt được tiến hành. Phi cơ hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương”, hãng thông tấn TASS của Nga hôm qua dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết.
Nguồn tin cho hay tiêm kích tàng hình Su-57 đã sử dụng nhiều loại tên lửa để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không nêu chi tiết.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin này.
Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế. Bộ Quốc phòng Nga năm 2019 đặt mua tổng cộng 76 phi cơ Su-57, trong đó 22 máy bay đầu tiên dự kiến bàn giao trước năm 2025. Chiếc đầu tiên đã được đưa vào biên chế cuối năm 2020.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng triển khai Su-57 cho chiến dịch quân sự tại Ukraine là động thái phù hợp với hoạt động của không quân Nga. Tiêm kích tàng hình này có thể mang nhiều loại tên lửa tầm xa, đủ sức tập kích nhiều mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ đối phương từ khoảng cách xa.
Hoạt động ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không đối phương sẽ hạn chế nguy cơ mẫu tiêm kích hiện đại nhất của Nga bị bắn hạ hoặc rơi do vấn đề kỹ thuật, bình luận viên Thomas Newdick của Drive nhận định.
“Với nhiệm vụ đối không, hoạt động ngoài không phận Ukraine cũng không phải trở ngại lớn với Su-57. Tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động R-77-1 cơ bản trên tiêm kích Su-35S có tầm bắn 110 km, trong khi biến thể nâng cấp K-77M được thử nghiệm trên Su-57 có tầm bắn gấp đôi”, Newdick cho biết.
Su-57 cũng có thể mang tên lửa tầm xa Izdeliye 810, phiên bản phát triển từ dòng R-37M để giấu trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình. Tính năng của tên lửa Izdeliye 810 chưa được công bố, nhưng mẫu R-37M nguyên bản có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 200 km.
Có khả năng Su-57 cũng được dùng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, cho phép không quân Nga thử nghiệm nhiều loại vũ khí được phát triển riêng cho mẫu tiêm kích tàng hình này. Trong số vũ khí này có tên lửa hành trình Kh-59MK2 chuyên diệt mục tiêu nhỏ, kiên cố từ khoảng cách 290 km, tên lửa diệt radar Kh-58UShK có thể giấu trong thân máy bay và Kh-38M có thiết kế module, mang được nhiều loại đầu dò như laser bán chủ động, ảnh nhiệt và radar chủ động.
“Su-57 được thiết kế làm tiêm kích chiếm ưu thế trên không, nó là ứng viên phù hợp nhất để kiểm soát vùng trời Ukraine, nhất là khi đối phó với tiêm kích và các hệ thống phòng không thời Liên Xô. Ngoài thử nghiệm tính năng trong điều kiện tác chiến thực tế, triển khai Su-57 trong chiến dịch tại Ukraine cũng có thể cải thiện triển vọng xuất khẩu và mang về thêm đơn hàng từ Bộ Quốc phòng Nga”, Newdick nhận định.
Không quân Nga được cho là đã có màn thể hiện gây thất vọng trên chiến trường Ukraine, khi không thể chiếm ưu thế trên bầu trời và chế áp lưới phòng không đối phương. Quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn rơi nhiều máy bay quân sự Nga, trong đó có cả tiêm kích bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35S bằng tên lửa phòng không vác vai.
Vũ Anh (Theo TASS, Drive)
Để lại một phản hồi