“Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng lần lại dấu vết của nhà cung cấp Mỹ, để xác định làm thế nào linh kiện của họ xuất hiện trong các hệ thống vũ khí Nga”, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/6 cho biết về cuộc điều tra.
Cuộc điều tra được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với các nhân viên kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ tiến hành. Họ sẽ chất vấn các công ty công nghệ Mỹ về những con chip và linh kiện phương Tây được tìm thấy trong các hệ thống radar, máy bay không người lái (UAV), xe tăng, hay bộ phận dẫn đường của tên lửa hành trình.
“Chúng tôi không điều tra một công ty chỉ vì con chip của họ được tìm thấy trong hệ thống vũ khí Nga”, quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho hay. “Những gì chúng tôi làm là điều tra về cách con chip được lắp trên các khí tài đó”.
Hiện chưa rõ những linh kiện cụ thể nào đang bị FBI và Bộ Thương mại Mỹ điều tra.
Các điều tra viên từ Công ty Nghiên cứu Vũ khí Xung đột, trụ sở ở Anh hồi đầu tháng 6 được cơ quan an ninh Ukraine mời đến để phân tích khí tài Nga mà nước này thu được. Kết quả phân tích cho thấy hầu hết chúng đều chứa các bộ phận từ những công ty có trụ sở ở Mỹ, cũng như các đồng minh thuộc Liên minh châu Âu (EU), như con chip, bảng mạch, động cơ, ăng-ten…
Nhiều vũ khí được sản xuất cách đây vài năm, trước khi Mỹ siết hạn chế xuất khẩu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, một số linh kiện điện tử phương Tây lắp trên khí tài Nga được sản xuất vào năm 2020.
Các công ty Mỹ trong nhiều năm được phép bán chip máy tính cơ bản cho các cơ quan quân sự Nga mà không cần xin giấy phép từ chính phủ Mỹ. Điều này khiến nỗ lực truy vết tốn nhiều công sức do các linh kiện điện tử thường đi qua loạt nhà phân phối trước khi tới tay người dùng cuối, cũng như xác định loại chip và ngày bán nếu muốn tìm lô hàng được chuyển giao bất hợp pháp.
Nga chỉ sản xuất một số loại chip máy tính hoặc thiết bị điện tử, do đó họ cần nhập khẩu mặt hàng này để sản xuất các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Mỹ trong nhiều thập kỷ kiểm soát chặt chẽ việc bán cho Nga chip máy tính với công nghệ cao nhất hoặc loại thiết kế cho mục đích quân sự, song các loại chip dưới ngưỡng này, thường được tìm thấy trong sản phẩm thương mại, không bị hạn chế trước năm 2014.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”, Mỹ và nhiều đồng minh đình chỉ hoạt động mua bán chip cho các đơn vị quân sự của Nga, nhằm ngăn chặn Moskva tiếp cận công nghệ cao của phương Tây.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)
Để lại một phản hồi