Mỹ cân nhắc gửi tên lửa chống hạm hiện đại cho Ukraine

Giới chức Ukraine đã nhiều lần thể hiện mong muốn sỡ hữu thêm vũ khí hiện đại của Mỹ, không chỉ dừng với kho tên lửa phòng thủ hiện nay như Javelin, Stinger và lựu pháo M777. Kiev đã đưa tên lửa chống hạm vào danh sách vận động tiếp viện từ Mỹ, với mục tiêu đẩy hải quân Nga ra xa khỏi các cảng Ukraine giáp Biển Đen, phá vòng vây và nối lại xuất khẩu nông sản.

Theo Reuters, các quan chức đương nhiệm, cựu quan chức và nguồn tin trong quốc hội Mỹ cho biết Washington vẫn e dè phương án tiếp viện vũ khí tầm bắn xa hơn, hỏa lực mạnh hơn cho Ukraine. Những vũ khí mới đòi hỏi nhiều thời gian huấn luyện hơn, kéo theo khó khăn về bảo dưỡng lẫn rủi ro vũ khí Mỹ bị lực lượng Nga hoặc bên thứ ba tiếp cận. Giới chức Mỹ cũng lo ngại hỗ trợ Ukraine vũ khí với hỏa lực mạnh hơn sẽ khiến chiến sự leo thang và kéo dài.

Tuy nhiên, Reuters hôm nay dẫn lời ba quan chức và hai nguồn tin quốc hội Mỹ cho biết vẫn có hai loại tên lửa chống hạm được Washington cân nhắc gửi đến Ukraine. Đó là tên lửa Harpoon do Boeing sản xuất và Tên lửa Tập kích Hải quân (NSM) do Kongsberg và Raytheon hợp tác phát triển.

Mỹ có thể gửi trực tiếp các loại vũ khí này cho Ukraine hoặc nhờ một đồng minh ở châu Âu chuyển giao. Cả hai loại có giá trị khoảng 1,5 triệu USD cho mỗi quả đạn.

Tên lửa chống hạm Harpoon được phóng từ khu trục hạm USS Fitzgerald của Mỹ trong cuộc tập trận tháng 3/2016 gần đảo Guam phía nam Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tên lửa chống hạm Harpoon được phóng từ khu trục hạm USS Fitzgerald của Mỹ trong cuộc tập trận tháng 3/2016 gần đảo Guam phía nam Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng trước đề nghị Bồ Đào Nha hỗ trợ tên lửa Harpoon. Tuy nhiên, loại vũ khí chống hạm có tầm bắn gần 300 km này không dễ sử dụng. Có ít nền tảng để phóng tên lửa từ đất liền vì Harpoon được thiết kế chủ yếu để phóng từ biển.

Hai quan chức Mỹ tiết lộ chính phủ đang cân nhắc giải quyết bài toán khó của Ukraine bằng cách chuyển giao thêm bệ phóng được tháo từ tàu chiến Mỹ.

Bộ Quốc phòng Anh ước tính Nga có khoảng 20 tàu quân sự, trong đó có tàu ngầm, đang hoạt động trên Biển Đen. Bryan Clark, chuyên gia hải quân tại Viện Hudson, nhận định Ukraine cần khoảng 12-24 tên lửa chống hạm đạt tầm bắn trên 100 km để đe dọa tàu chiến Nga và buộc Moskva suy nghĩ lại về chiến dịch vây hãm hải cảng.

Vị trí Biển Đen. Đồ họa: Washington Post.

Vị trí Biển Đen. Đồ họa: Washington Post.

Các quan chức Mỹ tiết lộ một số nước sẵn sàng gửi tên lửa Harpoon cho Ukraine, nhưng họ e dè về việc trở thành nước đi đầu. Các đồng minh Washington ở châu Âu cũng lo ngại Moskva trả đũa nếu tàu chiến Nga bị đánh chìm bằng tên lửa của họ.

NSM có thể phóng từ đất liền và tầm bắn đạt khoảng 250 km, với thời gian huấn luyện sử dụng gần 14 ngày. Do đó, loại vũ khí này được xem là lựa chọn ít đòi hỏi về hậu cần hơn Harpoon. Các nước NATO có thể viện trợ thêm cho Ukraine bệ phóng cơ động trên đất liền và di chuyển đầu đạn từ Na Uy sang.

Ngoài tên lửa chống hạm, Kiev cũng đang vận động Mỹ hỗ trợ thêm pháo phản lực bắn loạt (MLRS) như dòng M270 do Lockheed Martin phát triển, có tầm bắn hơn 70 km. Trong vài tuần gần đây, Washington đã gửi đồng ý gửi vũ khí hạng nặng là lựu pháo M777 cho Ukraine.

Thanh Danh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*