Nga chỉ trích EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine

“Với quyết định trao cho Ukraine và Moldova tư cách là các nước ứng cử viên, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định rằng họ tiếp tục lợi dụng các nước SNG trên phương diện địa chính trị để kiềm chế Nga. Họ không tính tới hậu quả tiêu cực của động thái như vậy”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 24/6. SNG là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập gồm các nước từng thuộc Liên Xô.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc bằng các mở rộng sang Ukraine và Moldova, EU đã “hy sinh những lý tưởng dân chủ của mình” cho “sự bành trướng không giới hạn và nô dịch về kinh tế, chính trị với các nước láng giềng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại St.Petersburg hôm 15/6. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại St.Petersburg hôm 15/6. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cũng bình luận về việc EU trao tư cách ứng viên cho Ukraine, gọi đây là “vấn đề nội bộ của châu Âu”. “Điều quan trọng là tất cả những quá trình này không gây thêm vấn đề cho chúng tôi và cho quan hệ của chúng tôi với các quốc gia này”, ông Peskov nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng nhận định việc Ukraine và Moldova muốn gia nhập EU không gây ra rủi ro nào cho Moskva vì khối này không phải liên minh quân sự. Tuy nhiên, ông Lavrov cáo buộc “EU và NATO đang muốn gây chiến” với Nga.

EU hôm 23/6 quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và nước láng giềng Moldova trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ. Tổng thống Ukraine Zelensky ca ngợi đây là “thời khắc lịch sử có một không hai trong quan hệ Ukraine – EU, khởi đầu cho trang sử mới của châu Âu”.

Sau khi được phê duyệt tư cách ứng viên, Ukraine sẽ phải nỗ lực để đáp ứng Tiêu chí Copenhagen được EU đề ra đối với các nước xin gia nhập, về nền kinh tế thị trường tự do cũng như các giá trị về dân chủ, nhân quyền.

Tổng thống Ukraine đã nhiều lần thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập ngay lập tức theo cái ông mô tả là “thủ tục đặc biệt mới”, song không nêu chi tiết. Lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan hồi tháng 3 đã bác bỏ lời kêu gọi về nhanh chóng kết nạp.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*