Tại Cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam, diễn ra tại thủ đô Phnom Penh ngày 13-17/6, hai bên trao đổi kế hoạch xử lý các cột mốc cũ còn tồn tại trên thực địa ở những nơi đã hoàn thành phân giới cắm mốc, bao gồm dỡ bỏ và giữ lại một số cột mốc để làm chứng tích lịch sử và tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới.
Hai bên cũng thảo luận về xử lý, khắc phục một số mốc biên giới bị hư hỏng, sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, cũng như khảo sát thực địa, cắm thêm một số cọc đánh dấu điểm đặc trưng làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa tại một số khu vực đã hoàn thành phân giới cắm mốc nhưng vẫn có khó khăn trong việc nhận biết, Bộ Ngoại giao cho biết trong thông cáo ngày 17/6.
Việt Nam và Campuchia khẳng định quyết tâm và nỗ lực tìm giải pháp công bằng, hợp lý mà hai bên cùng chấp nhận được để phân giới cắm mốc đối với 16% đường biên giới còn lại. Hai bên nhất trí về sự cần thiết xây dựng Hiệp định về quy chế biên giới mới thay thế Hiệp định về quy chế biên giới ký năm 1983, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp quản lý biên giới chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 4/3 cho biết tới tháng 9/2019, sau 20 năm thực hiện công tác phân giới cắm mốc, Việt Nam và Campuchia xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới được hơn 1.044 km trên thực địa, đạt khoảng 84%, được thể hiện trên bản đồ địa hình biên giới hai nước.
Thủ tướng hai nước tháng 10/2019 ký hai văn kiện ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc đạt được, bao gồm Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa hai nước (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2019) và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia (gọi tắt là Nghị định thư phân giới cắm mốc).
Nguyễn Tiến
Để lại một phản hồi