Đội quân chống lãng phí nước

Ayala chăm chú nhìn vào vỉa hè và mỗi lần thấy có vũng nước, anh sẽ dừng lại kiểm tra. Ayala là chuyên viên bảo tồn của Sở điện nước thành phố, chuyên xem xét hàng trăm đơn khiếu nại của cộng đồng mỗi tuần về cảnh hàng xóm lãng phí nước.

“Chúng tôi không hề cực đoan, mà chỉ muốn người dân nâng cao ý thức”, anh nói, chỉ về phía một vũng nước. “Có vẻ như họ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và một mối nối bị nứt”.

'Thợ săn' người lãng phí nước

‘Thợ săn’ người lãng phí nước

Damon Ayala tuần tra trên đường phố Los Angeles hôm 6/7. Video: AFP

Công việc tuần tra của Ayala diễn ra khi California và miền tây nước Mỹ trong cảnh hạn hán nặng nề vài năm nay. Giới khoa học cho hay hiện tượng ấm lên toàn cầu do tác động của con người, bao gồm sử dụng nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát, đang gây ra nhiều hiện tượng cực đoan.

Các hồ chứa nước và sông ngòi ở Los Angeles đang ở mức thấp nhất từng ghi nhận, buộc chính quyền ban hành hạn chế sử dụng nước, như hạn chế thời gian tưới cỏ tối đa 8 phút một lần và hai lần mỗi tuần.

Ayala ghi lại địa chỉ ngôi nhà mà anh tìm thấy bằng chứng vi phạm. Lần đầu vi phạm sẽ bị dán giấy cảnh báo. Người tái phạm bị phạt 200 – 600 USD.

“Nhiều người không biết về quy định và công việc của chúng tôi là giáo dục họ”, anh nói.

Ayala dừng lại trước ngôi nhà có vũng nước trên vỉa hè ở Los Angeles hôm 6/7. Ảnh: AFP

Ayala dừng lại trước ngôi nhà có vũng nước trên vỉa hè ở Los Angeles hôm 6/7. Ảnh: AFP

“Chúng tôi làm vậy không phải để kiếm tiền từ họ, vì có tiền cũng không giúp chúng ta có thêm nước. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi hành vi của người dân để tiết kiệm nước”, anh nói.

Nếu vi phạm quá 5 lần, chính quyền sẽ lắp đặt thiết bị hạn chế nguồn cung cấp nước cho hộ gia đình, dù Ayala cho hay rất hiếm người bị phạt tới mức này.

“Los Angeles cũng từng hạn hán nghiêm trọng và người dân đã hợp tác với giới chức”, anh nói. “Lần này, chúng tôi hy vọng họ cũng thay đổi”.

Sở điện nước thành phố cho hay lệnh hạn chế bước đầu đạt kết quả. Nhu cầu nước của người dân tháng 6 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng khi hạn hán nghiêm trọng hơn, công tác chăm sóc cảnh quan thành phố có thể cần thay đổi.

Ngoài cây cọ, Los Angeles còn nổi tiếng với những thảm cỏ xanh mướt được chăm sóc nhờ vòi phun nước tự động. Giờ đây những bãi cỏ này lâm vào cảnh khô cằn và cư dân có xu hướng thay thế chúng bằng cây cối bản địa ở vùng sa mạc này.

“Chúng tôi tính toán rằng 50% lượng nước mà người dân sử dụng là dành cho tưới cây ngoài trời”, Pamela Berstler, giám đốc điều hành công ty cảnh quan đô thị G3 Garden Group, nói.

Cô và đồng nghiệp Marianne Simon đang phụ trách các lớp học nằm trong chương trình của thành phố nhằm khuyến khích người dân chuyển từ trồng cỏ sang trồng cây chịu hạn.

Gabriel Golden và Danielle Koplinkase, hai người dân sống ở phía nam Los Angeles, đã tham gia chương trình từ vài năm trước. “Chúng tôi tìm cách truyền cảm hứng cho hàng xóm và khu phố bằng cách biến vườn nhà thành vườn trồng cây bản địa chịu hạn”, họ cho biết.

Những loài cây bản địa như sồi California, những loài hoa chỉ cần tưới chút nước mỗi tuần, giờ đang tô điểm cho khu vườn của hai vợ chồng.

“Một số nơi ở miền nam California bắt đầu giảm lượng nước tưới còn mỗi tuần một ngày”, Simon cho hay. “Thực tế là những khu vườn kiểu này chỉ cần tưới như vậy hoặc ít hơn, nhưng kiểu vườn trồng cỏ trước đây thì không”.

Một số người lựa chọn thay thế cỏ thật bằng cỏ nhân tạo hoặc sỏi, nhưng Simon cho rằng duy trì trồng cây có lợi cho môi trường hơn. “Chúng ta không nên nhìn hạn hẹp, chỉ tập trung vào vấn đề tiết kiệm nước”, bà nói.

Máy phun nước tưới bãi cỏ héo úa hôm 12/7, bất chấp quy định cấm tưới cây vào ban ngày của chính quyền Los Angeles. Ảnh: AFP

Máy phun nước tưới bãi cỏ héo úa hôm 12/7, bất chấp quy định cấm tưới cây vào ban ngày của chính quyền Los Angeles. Ảnh: AFP

Khu vực trồng cây mát hơn khoảng 10 độ C so với thay thế bằng sỏi, đồng thời có khả năng giữ nước mưa tốt hơn để bổ sung cho tầng ngậm nước. Trong lúc Simon đang nói, một vòi phun nước gần đó khởi động dưới cái nắng chói chang của California, tưới cỏ trong giờ cấm.

Nhiệt kế chỉ hơn 36 độ C, nước rơi xuống thảm cỏ héo úa, nhỏ giọt xuống vỉa hè và bốc hơi sau vài phút.

“Tôi rất buồn khi nhìn thấy cảnh này, nhưng đây cũng là bài học”, bà chia sẻ, chỉ tay về phía khu vườn khô héo.

“Cảnh tượng ấy sẽ là quá khứ, còn đây mới là tương lai”, Simon vừa nói vừa nhìn về phía khu vườn trồng các loài cây bản địa.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*