Nga lên kế hoạch đối phó trần giá dầu của phương Tây

Bloomberg ngày 15/7 dẫn một tài liệu cho biết ngân hàng trung ương, các bộ chủ chốt và hãng khai thác dầu của Nga liên kế hoạch triển khai giao dịch đầu tiên trên nền tảng quốc gia vào tháng 10.

Theo kế hoạch, Nga sẽ nỗ lực thu hút các đối tác nước ngoài mua dầu với mục tiêu đạt khối lượng giao dịch đủ để thiết lập mức định giá vào giữa tháng 3 và tháng 7/2023.

Hai quan chức Nga xác nhận quá trình này đang được tiến hành dựa trên tiêu chuẩn dầu quốc gia. Họ cũng cho biết Nga đang tìm cách bán dầu mà không chịu áp lực hay hạn chế từ bên ngoài. Một quan chức cho biết đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga của G7 càng chứng tỏ nước này cần tiêu chuẩn độc lập.

Giám đốc điều hành của một hãng khai thác dầu Nga xác nhận có các cuộc thảo luận về tiêu chuẩn độc lập. Theo tài liệu mà Bloomberg thu thập, đề xuất vẫn ở giai đoạn đầu và các cơ quan chính phủ Nga chưa xác định được liệu nước này có cần thêm khuôn khổ pháp lý nào để giao dịch với nền tảng mới hay không.

Bộ Năng lượng Nga chưa bình luận về thông tin trên.

Tháp đốt khí đồng hành ở mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của Rosneft gần thành phố Krasnoyarsk, Nga tháng 3/2015. Ảnh: Reuters.

Tháp đốt khí đồng hành ở mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của Rosneft gần thành phố Krasnoyarsk, Nga tháng 3/2015. Ảnh: Reuters.

Nga cố gắng thiết lập tiêu chuẩn dầu của riêng mình trong hơn một thập kỷ qua, song chưa thành công. Một số hãng khai thác dầu của Nga bán các lô dầu thô xuất khẩu tại sàn giao dịch hàng hóa Spimex ở Moskva, song khối lượng chưa đủ để thiết lập tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu.

Nỗ lực thiết lập tiêu chuẩn dầu riêng của Nga càng gia tăng sau khi nước này hứng loạt lệnh cấm vận dầu mỏ của phương Tây vì triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. G7 hồi tháng 6 đồng ý khẩn trương tìm cách hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng cách áp giá trần đối với mặt hàng này.

Loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga là Urals, thường được mua bán với mức giá thể hiện dưới dạng chiết khấu của dầu thô Brent. Đây là một phân loại thương mại đại diện cho dầu thô ngọt nhẹ, có ít hơn 0,5% lưu huỳnh, đóng vai trò chính trong kiểm chuẩn giá dầu trên toàn thế giới.

Khoản chiết khấu này gia tăng đáng kể sau khi các lệnh cấm vận làm giảm mức hấp dẫn của dầu thô Urals. Giá dầu thô Nga ở mức khoảng 84 USD/thùng ngày 15/6-14/7, giá dầu thô Brent trong khoảng thời gian này là 110 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới tăng giúp nguồn tiền thu từ xuất khẩu mặt hàng này của Nga không suy giảm.

Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*