Tiêm kích Ukraine lắp tên lửa Mỹ chuyên diệt radar

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm tên lửa diệt radar AGM-88 HARM. Quân đội Ukraine đã tích hợp loại vũ khí vào máy bay trong biên chế và triển khai thành công, cho phép họ tìm kiếm và tiêu diệt các đài radar của Nga”, quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nói với các phóng viên trong cuộc họp tại Lầu Năm Góc hôm 19/8.

Tên lửa HARM là một phần trong gói viện trợ quân sự 775 triệu USD sắp được Mỹ chuyển cho Ukraine. Đây là lần đầu giới chức Mỹ xác nhận Kiev sở hữu loại vũ khí này. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl hôm 8/8 thông báo nước này đã cung cấp tên lửa diệt radar cho Ukraine, nhưng không tiết lộ chủng loại.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine bay diễn tập hồi năm 2018. Ảnh: Airliners.

Tiêm kích MiG-29 Ukraine bay diễn tập hồi năm 2018. Ảnh: Airliners.

“Quân đội Ukraine đã tích hợp thành công tên lửa phương Tây cho các tiêm kích MiG trong biên chế. Chúng tôi từng đánh giá điều này khả thi về mặt kỹ thuật và dựa vào đó để cung cấp vũ khí cho họ. Thực tế đây là lô tên lửa HARM thứ hai được chuyển đến Ukraine”, quan chức Lầu Năm Góc nói thêm.

Dòng máy bay MiG duy nhất trong biên chế quân đội Ukraine hiện nay là tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 ra đời từ thời Liên Xô. Hiện chưa rõ phiên bản AGM-88 được chuyển giao, cũng như phương thức cho phép những chiếc MiG-29 sử dụng loại tên lửa này và chế độ hoạt động của đạn.

Ngoài phi đội MiG-29 một chỗ ngồi chuyên đối không, Ukraine cũng vận hành 8 chiếc MiG-29UB hai chỗ ngồi cho nhiệm vụ huấn luyện. Các máy bay MiG-29UB có năng lực chiến đấu giới hạn và không có radar, khiến chúng ít có tác dụng trong chiến sự hiện nay. Điều đó khiến những chiếc MiG-29UB phù hợp để thử nghiệm tích hợp tên lửa HARM, trong khi phi công ngồi buồng sau có thể giúp giảm tải cho phi công lái chính khi tìm kiếm radar đối phương.

AGM-88 HARM là tên lửa không đối đất được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất. Nó được phát triển để thay thế tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-78 SARM, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội tuần trước cho thấy các mảnh vỡ của tên lửa HARM tại chiến trường Ukraine, trong đó có một quả dường như trúng đạn phòng không và lao xuống một ngôi nhà mà không phát nổ.

Mô hình tên lửa AGM-88 HARM treo dưới tiêm kích Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Mô hình tên lửa AGM-88 HARM treo dưới tiêm kích Mỹ. Ảnh: Wikipedia.

Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng tên lửa HARM sẽ là công cụ quan trọng để Ukraine đối phó với lưới phòng không dày đặc được Nga triển khai trong chiến sự, hạn chế mối đe dọa đến máy bay của Kiev và cho phép họ hoạt động linh hoạt hơn so với trước đây.

“Sự xuất hiện của HARM là mối đe dọa không nhỏ với các tổ hợp phòng không Nga, đặc biệt là ở tiền tuyến. Nó sẽ hạn chế đáng kể thời gian chiến đấu và địa điểm triển khai tên lửa phòng không Nga, đồng thời cho phép tiêm kích Ukraine săn tìm mục tiêu ở khoảng cách an toàn hơn”, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.

Vũ Anh (Theo Drive)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*