Deutsche Bank sẽ không là “Credit Suisse” tiếp theo

Vốn mạnh và thanh khoản tốt

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (24/3), giá cổ phiếu Deutsche Bank lao dốc, trong khi giá sản phẩm liên quan tới bảo hiểm chống vỡ nợ của nhà băng này tăng vọt. Diễn biến tương tự đã từng xảy ra với Credit Suisse trước khi phải bán mình cho UBS theo thoả thuận khẩn cấp.

Vấn đề này lập tức khiến giới chuyên gia “đau đầu” bởi không có lý do nào Deutshe Bank – nhà băng đang báo lãi 10 quý liên tiếp và nguồn vốn rất mạnh lại trở thành nạn nhân tiếp theo của thị trường trong cơn hoảng loạn.

Việc UBS phải giải cứu khẩn cấp Credit Suisse, sau khi hàng loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ mà bắt đầu là Silicon Valley Bank đã khiến nỗi sợ hãi lan rộng tại các thị trường tài chính, khiến nhà đầu tư và người gửi tiền đều muốn nhanh chóng bảo vệ khoản tiền của mình.

Đáng chú ý, Ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ và giới chức nước này kỳ vọng việc UBS mua lại Credit Suisse sẽ ngăn chặn khủng hoảng, trấn an tinh thần người gửi tiền, cũng như ổn định lại hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Credit Suisse – nhà băng 167 năm tuổi, cùng với việc thoả thuận mua lại đã xoá bỏ giá trị 17,4 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse ngược lại khiến nhà đầu tư bùng nổ giận dữ.

Trong khi đó, Deutsche Bank đang trải qua quá trình tái cấu trúc trong những năm gần đây với mục tiêu giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, năm 2022, nhà băng này báo lãi 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD), tăng 159% so với năm trước đó.

Tỷ lệ CET1 – đơn vị đo lường khả năng thanh toán của Deutsche Bank ở mức 13,45 tính tới cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán ở mức 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio – NSFR) đạt 119%. Tất cả các con số này cho thấy, không hề có nỗi lo nào liên quan tới khả năng thanh toán và vị thế thanh khoản của Deutsche Bank.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ tại một hội nghị ở Brusssels cho biết, Deutsche Bank đang tái cấu trúc và hiện đại hoá mô hình kinh doanh. Đây là một ngân hàng có lãi tốt và không có lý do gì để đồn đoán về tương lai của nhà băng này.

Một số mối lo về hoạt động của Deutsche Bank liên quan tới việc nhà băng này thâm nhập sâu vào thị trường bất động sản thương mại Mỹ và các sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, hãng nghiên cứu Autonomous đã “phủ nhận” cả hai mối lo ngại này, bởi Deutsche Bank có vốn mạnh và khả năng thanh khoản tốt.

“Chúng tôi không có lo lắng nào liên quan tới các hoạt động và tài sản của Deutsche Bank. Để khẳng định rõ ràng, Deutsche sẽ không trở thành Credit Suisse tiếp theo”, Stuart Graham và Leona Li, các chiến lược gia của Autonomous cho biết.

Câu chuyện niềm tin

Theo JPMorgan, sự sụp đổ của Credit Suisse là tổng hợp của 3 nguyên nhân. Thứ nhất, thất bại trong quản trị, niềm tin vào khả năng lãnh đạo của nhà băng bị ăn mòn trong thời gian qua. Thứ hai, thị trường nhiều thách thức, khiến kế hoạch tái cấu trúc không dễ dàng. Thứ ba, rủi ro hoàn toàn mới liên quan tới sự tập trung quá đà vào thanh khoản, sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.

“Credit Suisse rõ ràng có vấn đề về chi phí vận hành và thâm dụng vốn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, nhà băng này vẫn có hệ thống quản lý gia sản danh tiếng, chất lượng cao và có hoạt động ngân hàng tại Thuỵ Sỹ mang lại lợi nhuận, chưa kể các tài sản khác”, các chiến lược gia tại JPMorgan nhận định và nhấn mạnh, chuỗi sự kiện trong những tháng qua đã chứng tỏ rằng, mọi tổ chức đều phải vận hành dựa trên niềm tin.

“Credit Suisse đã bị trừng phạt khi nhà đầu tư rút tiền khỏi hệ thống, dẫn tới những thua lỗ và mất khả năng thanh khoản tiếp theo. Khi Silicon Valley Bank sụp đổ, Credit Suisse đã trong tình trạng thanh khoản kém và chứng kiến ròng tiền rút ra khỏi hệ thống mạnh mẽ trong quý IV/2022”.

Trong khi đó, Deutsche Bank cũng đang có những áp lực của riêng mình.

“Ngân hàng Đức cũng có những áp lực riêng và khó khăn trong công tác quản trị. Theo quan điểm của chúng tôi, Deutsche Bank vẫn có chi phí cơ sở tương đối cao và phụ thuộc vào nhượng quyền thương mại FICC (thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa) để tạo vốn hữu cơ và là cơ sở để xếp hạng lại tín nhiệm”, các chiến lược gia của JPMorgan cho biết.

“Dù thế nào, bài học cho các nhà đầu tư (và cả các tổ chức phát hành) ở đây rất rõ ràng. Đó là, sau cùng thì niềm tin vẫn là yếu tố then chốt – niềm tin vào bối cảnh thị trường nói chung, vào năng lực của bộ máy quản lý trong việc thể hiện sự minh bạch hay các biện pháp xử lý vấn đề thanh khoản”, báo cáo của JPMorgan nhấn mạnh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*