Tim Liberatore, chỉ huy cơ sở NAVFAC của hải quân Mỹ tại quần đảo Mariana ở Thái Bình Dương, ngày 23/6 xác nhận quân đội Mỹ đã bắt đầu xây dựng đường băng tại đảo Tinian thuộc quần đảo Mariana, nằm gần đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ muốn biến Tinian thành căn cứ dự phòng cho Guam, nhằm đề phòng trường hợp các cơ sở hải quân và không quân trên đảo Guam bị tập kích đến mức không thể sử dụng được. Giới chức quân đội Mỹ ngày càng lo ngại Guam trở thành mục tiêu của tên lửa Nga, Trung hoặc Triều Tiên trong kịch bản xung đột bùng phát.
Ảnh vệ tinh do Drive công bố giữa tháng 6 cho thấy hoạt động giải phóng mặt bằng đã được tiến hành ở phía đông bắc sân bay quốc tế Tinian. Giới phân tích cho rằng dự án xây dựng đường băng tiêm kích của quân đội Mỹ đã được khởi công từ tháng 5.
Dự án đường băng dự phòng trên đảo Tinian có tổng chi phí dự kiến khoảng 162 triệu USD và có thể hoàn thành trước tháng 10/2025.
Đường băng có thể cho phép chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh khẩn cấp, hoặc sử dụng tạm thời trong thời gian căn cứ chính ở Guam bị vô hiệu hóa. Đường băng dự phòng ở Tinian sẽ được thiết kế để đảm bảo năng lực và trang thiết bị tối thiểu phục vụ nhu cầu quân sự. Cơ sở này cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai.
Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự ở Tinian từ đầu thập niên 2010. Tháng 12/2016, không quân Mỹ đặt vấn đề phát triển sân bay quốc tế Tinian làm cơ sở dự phòng trong trường hợp căn cứ quân sự Guam bị vô hiệu hóa bởi thiên tai hoặc bị tấn công phủ đầu. Tháng 5/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đạt thỏa thuận trị giá 21,9 triệu USD với chính quyền địa phương, thuê đất 40 năm để xây đường băng mới.
Tinian có tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng với Mỹ ở Nam Thái Bình Dương. Trong tháng 6, quân đội Mỹ đã tổ chức tập trận liên binh chủng trên hai đảo Saipan và Tinian, đều nằm gần Guam.
Đảo Guam nằm ở giữa Thái Bình Dương, đủ gần lục địa châu Á để không quân Mỹ thiết lập căn cứ dành cho oanh tạc cơ, trinh sát cơ và máy bay tiếp liệu, song đủ xa để gây khó khăn cho đối phương, trừ những lực lượng sở hữu vũ khí tinh vi nhất.
Căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam có diện tích lớn với đường băng dài cùng bãi đỗ rộng có thể chứa hàng trăm máy bay. Các chỉ huy Mỹ phụ trách lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương từng dự đoán rằng căn cứ Andersen sẽ là một trong những mục tiêu bị tấn công đầu tiên nếu nổ ra xung đột, đe dọa sinh mạng hàng nghìn người Mỹ và số máy bay trị giá hàng tỷ USD, đồng thời xóa sổ lợi thế sức mạnh không quân tầm xa của Washington.
Nga và Trung Quốc sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo có thể tập kích Guam từ ngoài tầm đánh chặn của hệ thống phòng không trên đảo, trong khi tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong của Triều Tiên được cho là đủ khả năng bắn tới Guam khi lặn ở biển Nhật Bản.
Thanh Danh (Theo Asia Times)
Để lại một phản hồi