Nga tố thỏa thuận ngũ cốc Ukraine là ‘trò lừa bịp’

“Gần như tất cả ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine không được chuyển tới các quốc gia đang phát triển, thay vào đó đến những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)”, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/9 phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok.

Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng ven Biển Đen được nối lại sau thỏa thuận ngày 22/7 do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này nhằm giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine mắc kẹt sau khi chiến sự tại quốc gia này bùng phát.

“Chúng tôi đã làm mọi điều để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu, chúng tôi đã phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nói, cảnh báo Nga có thể đề nghị hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang EU.

“Tôi chắc chắn sẽ tham vấn về vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Nga sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ thỏa thuận để đảm bảo đạt được các mục tiêu”, ông Putin cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 7/9. Ảnh: RIA Novosti.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 7/9. Ảnh: RIA Novosti.

Tổng thống Nga chỉ trích các nước châu Âu “hành động như những kẻ thực dân” và “một lần nữa đang lừa dối những quốc gia đang phát triển”. Theo ông, trong số 80 tàu chở ngũ cốc rời Ukraine, chỉ có hai tàu đến các nước đang phát triển.

“Những gì chúng ta thấy là một trò lừa bịp trơ tráo nữa”, ông Putin nói, thêm rằng châu Âu “chỉ chăm chăm lo cho mình trước”.

“Với cách làm này, quy mô của các vấn đề lương thực thế giới sẽ chỉ tăng lên”, ông Putin nói và cảnh báo điều đó có thể dẫn đến “thảm họa nhân đạo chưa từng có”.

EU và Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của ông Putin.

Chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên sau thỏa thuận rời cảng Odessa ngày 2/8, sự kiện được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đình trệ khi các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau rải thủy lôi trên biển khiến tàu hàng không thể tiếp cận các cảng trong khu vực.

Nga bác cáo buộc làm trầm trọng khủng hoảng lương thực, cho rằng các lệnh hạn chế đối với xuất khẩu của nước này khiến giá lương thực tăng. Giới chức Nga cho biết dù lương thực và phân bón được rút khỏi lệnh hạn chế xuất khẩu của nước ngoài, nước này vẫn chịu hạn chế liên quan đến hậu cần, thuê tàu, chuyển tiền và bảo hiểm.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, TASS)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*