Khi các lệnh trừng phạt mới công bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả chúng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng chưa từng thấy với Moskva. Cú sốc và tâm lý sợ hãi ban đầu đã làm chao đảo thị trường tài chính Nga hồi tháng 3/2022. Nhưng hiện tại, nền kinh tế Nga, dù gặp khó khăn, vẫn đủ khả năng duy trì nguồn cung tài chính cho cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, kịch bản mà Washington từng hy vọng có thể tránh được.
Lệnh trừng phạt ban đầu khiến Nga năm ngoái bị thiếu vi mạch và linh kiện công nghệ cao, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác của nước này. Nhưng sau đó, Moskva đã tìm ra cách lách lệnh trừng phạt thông qua các nước láng giềng, giúp họ tăng cường sản xuất vũ khí.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov hôm 24/7 cho biết lượng vũ khí Nga sản xuất và bàn giao mỗi tháng trong năm nay “nhiều hơn tổng đơn hàng thực hiện trong năm 2022” và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã duy trì “tiến độ làm việc chưa từng thấy”, cả về chất lượng và số lượng vũ khí.
Dầu thô Nga vẫn tiếp tục được khai thác và xuất khẩu tới các đối tác lớn, ngay cả khi chính sách áp giá trần của phương Tây khiến nguồn thu của Moskva sụt giảm.
Một số chuyên gia vẫn tin rằng tác động của các biện pháp trừng phạt sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế Nga trong dài hạn. Họ nhận định các biện pháp trừng phạt không thể tạo hiệu quả tức thì, mà sẽ khiến kinh tế Nga trở nên trì trệ trong những năm tới và một số dấu hiệu sa sút đã xuất hiện.
Nhưng việc phương Tây không thể nhanh chóng đánh gục nền kinh tế Nga đã góp phần đẩy chiến dịch phản công của Ukraine hiện nay vào bế tắc, dù Kiev đã nhận những khoản viện trợ khổng lồ cả về quân sự lẫn kinh tế của Mỹ và đồng minh.
“Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa phá hủy nền kinh tế Nga”, Sergei Guriev, giáo sư tại Viện nghiên cứu Chính trị Paris, Pháp, cho biết. “Chúng chỉ mới bắt đầu tạo ra những hạn chế, nhưng chưa thể ngăn Moskva tài trợ cho chiến dịch tại Ukraine”.
Làm thế nào Nga ngăn được nguy cơ sụp đổ về kinh tế và đạt được tăng trưởng trong hơn một năm qua bất chấp bão trừng phạt phương Tây sẽ là câu hỏi quan trọng để giới phân tích nghiên cứu nhằm cân nhắc xem liệu các biện pháp trừng phạt có tiếp tục còn là công cụ chính sách hiệu quả trong tương lai hay không.
Đằng sau khả năng phục hồi kinh tế của Nga là những động thái kích thích đáng kể từ chính phủ, quyết định chuyển hướng sang nền kinh tế thời chiến cũng như nỗ lực chuyển hướng sang hợp tác cùng các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chính quyền Tổng thống Biden vẫn lập luận rằng các biện pháp trừng phạt là cần thiết để làm tăng cái giá phải trả cho Nga. Những số liệu tăng trưởng mới nhất chỉ là tấm màn phủ lên nỗi đau kinh tế thực sự mà Moskva đang phải chịu, một quan chức cấp cao Mỹ nói.
“Chúng ta đang làm cho nền kinh tế Nga dần suy yếu và ít có khả năng tự duy trì theo thời gian”, quan chức này cho hay. “Họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tiến hành chiến dịch tại Ukraine”.
Chi tiêu của chính phủ Nga đã tăng 13,5% trong quý một năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1996.
Các nhà kinh tế cho rằng phần lớn đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp của Nga năm nay là nhờ vũ khí và trang thiết bị. Tổng thống Putin đã ra lệnh rót ngân sách không giới hạn cho ngành quốc phòng.
Trong số liệu của chính phủ Nga, sản lượng “hàng kim loại thành phẩm”, hạng mục mà các nhà phân tích cho rằng bao gồm cả vũ khí và đạn dược, đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay so với năm ngoái.
Sản lượng của các ngành khác liên quan đến quân sự cũng tăng. Sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và quang học tăng 30%, trong khi sản lượng trang phục đặc biệt tăng 76%. Ngược lại, sản lượng ôtô giảm hơn 10% so với năm trước.
“Những gì chúng ta đang thấy ở đây là xu hướng lực cầu tăng mạnh đối với các tổ hợp công nghiệp quân sự”, Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga, hiện là học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, trụ sở ở Berlin, nhận xét.
Lệnh cấm và áp giá trần từ Liên minh châu Âu (EU) đối với hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga đã khiến giá của chúng sụt giảm. Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, trụ sở ở London, Anh, dự đoán doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm từ 340 tỷ USD năm 2022 xuống còn 200 tỷ USD trong năm nay và ổn định ở mức đó trong năm 2024.
Nhưng cùng lúc, sản lượng dầu Nga chỉ giảm nhẹ. Nguyên nhân là Moskva đã tìm cách để bán dầu cho các đối tác lớn ở châu Á, thông qua việc xây dựng một đội tàu chở dầu do các công ty ngoài phương Tây sở hữu, mua bảo hiểm và thuê. Những tuần gần đây, nỗ lực này đã giúp giảm mức chiết khấu của giá dầu Nga so với dầu tiêu chuẩn quốc tế.
“Nga tiếp tục bán dầu cho những nước không tham gia liên minh trừng phạt, khiến tác động từ các lệnh trừng phạt dầu mỏ vẫn chưa thể mang tính quyết định”, giáo sư Guriev bình luận.
Giới chức Mỹ giải thích rằng để các biện pháp trừng phạt phát huy hiệu quả, phương Tây phải thực thi chúng liên tục. EU gần đây đã có những hành động nhằm áp đặt lệnh trừng phạt kiên quyết hơn nhằm ngăn chặn một số phương thức lách lệnh trừng phạt của Nga.
Nicholas Mulder, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, Mỹ, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt, cho hay nỗ lực của phương Tây nhằm gây sức ép kinh tế lên một quốc gia lớn như Nga có thể trở thành bài học mang tính cảnh báo về lâu dài.
Theo ông, quy mô quá lớn của kinh tế Nga khiến việc tách nước này ra khỏi nền kinh tế thế giới là điều không thể. Họ vẫn là nguồn nguyên liệu thô chính cho các nước phát triển, trong khi đối với các nước đang phát triển, Nga là nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng.
Việc Nga có thể nhanh chóng xoay trục thương mại sang từ châu Âu sang châu Á là một lợi thế lớn của nước này trong đối phó lệnh trừng phạt phương Tây.
“Nga trên thực tế đã tìm đến khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới”, Mulder nói, đồng thời lưu ý rằng châu Á sẽ chiếm 3/4 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. “Nếu các nước lớn ở châu Á không hợp tác, phương Tây không thể làm tê liệt nền kinh tế Nga”.
Tuy nhiên, Mulder tin rằng điểm yếu của Nga là tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng, một nguồn lực mà Moskva không thể thay thế bằng cải tổ thương mại. Nga đang chịu mức thâm hụt lao động tồi tệ nhất kể từ những năm 1990 do tình trạng di cư và các lệnh huy động quân để bù đắp tổn thất trên chiến trường.
Ngân hàng Trung ương Nga tháng trước tăng lãi suất lên 1% so với kế hoạch và dự kiến xu hướng này còn tiếp diễn. Đây dường như là tín hiệu cho thấy rằng tình trạng thiếu lao động đang thúc đẩy lạm phát.
“Khủng hoảng của thị trường lao động, lạm phát tăng vọt, tác động từ các biện pháp trừng phạt công nghệ, những điều này chắc chắn có tác động, nếu không muốn nói là tác động đáng kể”, Guriev bình luận. “Chúng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga cũng như năng lực tự đổi mới và nâng cấp. Kinh tế Nga dần dần sẽ bị trì trệ, rất khó bắt kịp các nước phát triển khác”.
Theo Prokopenko, dù chi tiêu công đang thúc đẩy nền kinh tế Nga, đây không phải là cách tăng trưởng hiệu quả. “Nền kinh tế Nga khó có thể duy trì sự bền vững trong dài hạn”, bà nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
Để lại một phản hồi