Pháp ủng hộ khối Tây Phi lật ngược đảo chính Niger

“Tương lai Niger và sự ổn định của toàn bộ khu vực đang bị đe dọa”, Bộ Ngoại giao Pháp hôm nay ra tuyên bố cho hay, trước hạn chót 6/8 mà Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra cho chính quyền quân sự ở Niger để trao trả quyền lực. “Chúng tôi mạnh mẽ và kiên quyết ủng hộ nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm khôi phục nền dân chủ ở Niger”.

ECOWAS ngày 4/8 thông báo các nước thành viên đã đồng ý kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger nếu phe đảo chính không khôi phục chính quyền dân sự. ECOWAS không công bố thời điểm có thể tiến hành chiến dịch. Phe đảo chính Niger tuyên bố sẽ đáp trả “ngay lập tức và không báo trước bất kỳ hành vi hoặc âm mưu gây hấn” nào từ các nước thành viên ECOWAS.

“Chúng ta phải nhìn nhận lời cảnh báo can thiệp quân sự của ECOWAS một cách nghiêm túc, lời cảnh báo đó có thể xảy ra”, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói và đề nghị phe đảo chính lắng nghe “điều mà các quốc gia đều nhất trí yêu cầu họ làm”.

Pháp không nói rõ liệu sự ủng hộ của họ có đi kèm hỗ trợ quân sự cho cuộc can thiệp của ECOWAS vào Niger hay không. Bà Colonna hôm nay đã gặp Ouhoumoudou Mahamadou, thủ tướng của chính phủ bị lật đổ ở Niger, và Đại sứ Niger tại Paris.

Người ủng hộ đảo chính cầm cờ Niger trong cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey ngày 3/8. Ảnh: AFP

Người ủng hộ đảo chính cầm cờ Niger trong cuộc biểu tình ở thủ đô Niamey ngày 3/8. Ảnh: AFP

Niger là thuộc địa của Pháp hơn 50 năm, trước khi giành độc lập năm 1960. Pháp hiện duy trì 1.000-1.500 lính ở Niger, giúp chống lại cuộc nổi dậy của các nhóm có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lan rộng khắp khu vực.

Chính quyền quân sự Niger ngày 4/8 đã tuyên bố hủy hợp tác quốc phòng với Pháp. Tuy nhiên, Paris khẳng định quan hệ quân sự giữa hai nước không thay đổi vì Pháp không công nhận phe đảo chính, khẳng định chỉ có “chính quyền hợp pháp” ở Niger mới có quyền quyết định.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.

Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.

Phái đoàn ECOWAS đến thủ đô Niamey của Niger ngày 3/8 nhưng quay về trong ngày mà không đạt được kết quả đột phá nào. Họ cũng không thể gặp ông Bazoum hay lãnh đạo phe đảo chính Niger.

Niger vốn được đánh giá là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong hoạt động chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Binh sĩ của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Pháp, đang đóng quân tại Niger.

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*