Mỹ giải thích cáo buộc Nga ‘diệt chủng’

“Tổng thống khi ấy đã phát biểu trong lúc quá sốc với cảnh tượng khủng khiếp mà mọi người đều đã thấy ở những nơi như Mariupol, Bucha, Kharkov và nhiều nơi khác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price ngày 13/4 tuyên bố, đề cập đến phát biểu gần đây của Tổng thống Joe Biden gọi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là cuộc “diệt chủng”.

Đây là lần đầu tiên ông Biden đưa ra cáo buộc như vậy đối với Nga. Các quan chức ngoại giao Mỹ đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng từ phát biểu của Tổng thống, cho rằng ông chủ yếu đưa ra quan điểm “đạo đức”, không phải dựa trên góc độ pháp lý.

Theo Price, “cách nói không quan trọng bằng hành động” và Mỹ sẽ phản ứng với vấn đề Ukraine bằng cách cung cấp cho quốc gia này những gì họ cần để đối phó với lực lượng Nga.

“Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược dù đây có là tội ác chiến tranh hoặc diệt chủng hay không”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 13/4 cho rằng cáo buộc của Tổng thống Biden có thể “được chứng minh” khi phương Tây thu thập các bằng chứng ở Ukraine. Theo bà Nuland, các lực lượng Nga đang “cố tình hủy hoại Ukraine và người dân nước này”.

Victoria Nuland phát biểu trong cuộc họp báo tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev, Ukraine, hồi tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Victoria Nuland phát biểu trong cuộc họp báo tại đại sứ quán Mỹ ở Kiev, Ukraine, hồi tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không cam kết khởi động cuộc điều tra riêng về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, mà nói rằng sẽ “hỗ trợ các nỗ lực quốc tế” để buộc Moskva phải chịu trách nhiệm.

Nga đã chỉ trích phát ngôn của ông Biden là nỗ lực bóp méo sự thật và không thể chấp nhận. “Thật khó có thể chấp nhận khi đây là phát ngôn của một tổng thống Mỹ, quốc gia đã phạm nhiều tội ác khét tiếng trong thời gian gần đây”, Điện Kremlin ra tuyên bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó cũng từ chối gọi các hành động của quân đội Nga ở Ukraine là “diệt chủng”, nhấn mạnh rằng các tuyên bố làm leo thang căng thẳng sẽ không giúp ngăn chặn cuộc chiến. Macron cho rằng nên thận trọng khi sử dụng các thuật ngữ, đặc biệt khi “người Ukraine và người Nga là những dân tộc anh em”.

Liên Hợp Quốc định nghĩa tội ác diệt chủng là “các hành động được thực hiện với mục đích tiêu diệt một phần hoặc toàn bộ một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay nhóm tôn giáo”.

Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính hơn 4,6 triệu người Ukraine đã sơ tán ra nước ngoài, 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên lãnh thổ Ukraine. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1.842 dân thường đã thiệt mạng và 2.493 người bị thương ở Ukraine liên quan tới xung đột, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ngọc Ánh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*