“Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không diễn ra như kế hoạch của Moskva. Họ không kiểm soát được Kiev, họ đang rút khỏi Kharkov và đà tiến quân ở Donbass bị trì trệ. Nga đang không đạt được các mục tiêu chiến lược của họ”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với phóng viên sau cuộc họp không chính thức của ngoại trưởng các nước trong liên minh hôm 15/5.
Theo ông Stoltenberg, chủ đề chính trong cuộc họp của các ngoại trưởng là “ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của NATO cũng như những tác động lâu dài từ chiến dịch quân sự của Nga, bao gồm lập trường tương lai của liên minh đối với Nga.
“Ukraine có thể thắng. Người Ukraine đang dũng cảm bảo vệ quê hương của họ”, ông Stoltenberg, thêm rằng nguồn cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác từ những nước ủng hộ đang “tạo ra khác biệt thực sự trên chiến trường”, do đó khối nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Tổng thư ký tiết lộ trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 tại Madrid, Tây Ban Nha, các thành viên sẽ đưa ra “những quyết định quan trọng”, bao gồm các biện pháp nhằm củng cố khả năng răn đe của khối.
Trong khi đó, Nga khẳng định đang hoàn thành mọi mục tiêu ở Ukraine và sẽ không thay đổi lộ trình đã định. Trong chương trình truyền hình phát sóng hôm 14/5, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhấn mạnh “chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc hay lùi bước”.
Đầu tháng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine đang diễn ra “theo đúng kế hoạch”. Moskva cũng liên tục cảnh báo phương Tây không tiếp tục bơm vũ khí cho Ukraine vì “điều đó sẽ chỉ kéo dài xung đột và gây ra các vấn đề lâu dài”, đồng thời coi bất kỳ vũ khí nước ngoài nào trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu tấn công hợp pháp.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”, Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ. Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan ngày 15/5 xác nhận nước này sẽ gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử mở ra kỷ nguyên mới, trong khi hầu hết các nước thành viên hoan nghênh động thái này.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)
Để lại một phản hồi