Phần Lan không muốn đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ

“Vấn đề NATO triển khai vũ khí hạt nhân hoặc mở căn cứ trên lãnh thổ Phần Lan không nằm trong những cuộc thảo luận về tư cách thành viên của chúng tôi. Tôi nghĩ cũng không ai có ý định triển khai vũ khí hạt nhân hoặc mở căn cứ NATO tại Phần Lan”, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.

Thủ tướng Sanna Marin trong cuộc họp báo tại thủ đô Rome của Italy hôm 18/5. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Sanna Marin trong cuộc họp báo tại thủ đô Rome của Italy hôm 18/5. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Phần Lan đang thăm thủ đô Rome và gặp người đồng cấp Italy Mario Draghi, trong đó bà Marin cho rằng những bất đồng về tư cách thành viên NATO của Phần Lan có thể giải quyết qua đối thoại. “Tôi nghĩ ở giai đoạn này cần giữ bình tĩnh, thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên khác, trả lời những câu hỏi có thể tồn tại và giải đáp những hiểu lầm”, bà nói.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trước đó cũng khẳng định Stockholm không muốn NATO đặt căn cứ thường trực hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

Phần Lan và Thụy Điển ngày 18/5 nộp đơn xin gia nhập lên Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, kết thúc chính sách trung lập mà hai nước đã duy trì trong thời gian dài. Ông Stoltenberg nhiều lần khẳng định hai nước Bắc Âu sẽ được NATO chào đón với “vòng tay rộng mở”, nhưng trở ngại trước mắt với họ là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của khối.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nước này yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan công khai lên án đảng Công nhân người Kurd (PKK) cùng các nhóm vũ trang liên quan trước khi được gia nhập NATO. Ngoài ra, Ankara sẽ yêu cầu Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến hợp đồng tên lửa S-400 mua của Nga hồi năm 2019.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/5 không chỉ trích Phần Lan và Thụy Điển xin vào NATO, nhưng cảnh báo hoạt động mở rộng những cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ hai quốc gia này sẽ kích hoạt phản ứng từ Moskva. “Hành động cụ thể sẽ dựa trên mối đe dọa mà họ tạo ra với Nga”, ông Putin nói.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev hồi tháng trước cảnh báo Moskva sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây, nếu Stockholm và Helsinki gia nhập NATO.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*