Lý do Nga điều xe tăng gần 50 tuổi đến Ukraine

Hình ảnh được tài khoản Herson Vestnik chia sẻ trên mạng xã hội Telegram hôm 6/6 cho thấy đoàn xe tăng T-62M Nga di chuyển ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine. “Đoàn xe đang di chuyển về hướng Mykolaiv và Kryvyi Rih. Rất khó ước tính số lượng, nhưng các xe tăng đã di chuyển cả ngày lẫn đêm trong suốt ba ngày qua”, tài khoản này cho hay.

Những chiếc T-62M đầu tiên xuất hiện tại Ukraine trên đoàn tàu hướng đến ga Melitopol ở tây nam nước này cuối tháng 5. Các xe vẫn còn mã hiệu nhà kho trên thân, cho thấy chúng được rút khỏi kho niêm cất trong thời gian ngắn để chuyển đến Ukraine.

Xe tăng T-62M Nga di chuyển ở tỉnh Kherson trong ảnh công bố hôm 6/6. Ảnh: Telegram/Herson Vestnik.

Xe tăng T-62M Nga di chuyển ở tỉnh Kherson trong ảnh công bố hôm 6/6. Ảnh: Telegram/Herson Vestnik.

Emma Helfrich, bình luận viên quân sự kỳ cựu của trang The War Zone, nhận định sự xuất hiện của xe tăng T-62M ở chiến trường Ukraine cho thấy lực lượng thiết giáp Nga dường như đang chịu tổn thất nặng và cần bổ sung gấp khí tài sau hơn ba tháng giao tranh.

Trong giai đoạn đầu chiến sự, Nga chủ yếu sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-80 trên các mũi tiến công ở Ukraine. Xe tăng T-90M được tung vào chiến trường Kharkov ở giai đoạn hai, khi Nga rút lực lượng khỏi miền bắc Ukraine, tập trung cho chiến trường miền đông ở Donbass.

Tuy nhiên, các loại xe tăng chủ lực của Nga liên tục bị pháo binh, tên lửa dẫn đường và máy bay không người lái Ukraine tập kích suốt ba tháng qua, khiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bị hao hụt.

Oryx, tổ chức chuyên thống kê thiệt hại của Nga và Ukraine trong giao tranh thông qua các thông tin tình báo và quân sự nguồn mở, cho hay Nga đã mất khoảng 664 xe tăng và 3.000 xe thiết giáp tính đến giữa tháng 5.

Helfrich cho rằng tình thế này buộc quân đội Nga phải mở kho niêm cất, đưa những chiếc T-62M “cổ lỗ sĩ” ra chiến trường, dù công nghệ và năng lực tác chiến của chúng kém xa các mẫu tăng hiện nay.

Xe tăng T-62 được Liên Xô phát triển từ đầu thập niên 1960 để đối phó mẫu FV4201 Chieftain của Anh và M60 Patton Mỹ, thay thế xe tăng hạng trung T-55 trong biên chế. Quá trình sản xuất diễn ra trong giai đoạn 1961-1975, với tổng cộng gần 23.000 chiếc được xuất xưởng.

Phiên bản T-62 nguyên gốc được trang bị pháo nòng trơn U-5TS cỡ nòng 115 mm với hỏa lực mạnh hơn pháo 100 mm trên T-55. Khả năng bảo vệ cũng được tăng cường với lớp giáp phía trước và hai bên tháp pháo dày lần lượt 214 mm và 153 mm, trong khi động cơ nhỏ nhưng hiệu suất cao giúp xe đạt tốc độ 50 km/h trên đường nhựa.

Dù vậy, quá trình vận hành thực tế trong quân đội Liên Xô cho thấy T-62 không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Tốc độ bắn và quay tháp pháo chậm, cũng như nhiều hạn chế với pháo chính 115 mm khiến nó không được ưa chuộng, dù lục quân Mỹ đánh giá pháo U-5TS có độ chính xác cao hơn nhiều so với pháo 105 mm trên xe tăng M60A1 ở khoảng cách 1.500 m.

Các nước đồng minh của Liên Xô cũng không mặn mà với T-62, khi giá bán mỗi chiếc cao gấp đôi xe tăng T-55 nhưng không mang lại ưu thế vượt trội. Năm 1968, Liên Xô phát triển đạn xuyên giáp thoát vỏ cỡ 100 mm đủ sức xuyên thủng nhiều loại giáp xe tăng phương Tây thời kỳ đó. Loại đạn này khiến xe tăng T-55 sở hữu hỏa lực gần tương đương pháo 115 mm trên T-62.

Lý do Nga triển khai xe tăng gần 50 tuổi đến Ukraine

Lý do Nga triển khai xe tăng gần 50 tuổi đến Ukraine

Đoàn tàu chở xe tăng T-62M Nga đến Ukraine cuối tháng 5. Video: Twitter/Military Land.

T-62 cũng không theo kịp xe chiến đấu bộ binh BMP-1, loại khí tài mà nó có nhiệm vụ yểm trợ và hiệp đồng trên chiến trường. Các yếu tố này khiến Liên Xô quyết định không đầu tư lâu dài cho dự án T-62, chuyển sang các chương trình xe tăng chủ lực hiện đại hơn như T-64 và T-72.

Đầu thập niên 1980, Liên Xô bắt đầu chương trình hiện đại hóa T-62 để thích nghi với chiến trường hiện đại. Phiên bản T-62M ra mắt năm 1983, là gói nâng cấp toàn diện về khả năng phòng vệ, cơ động và điều khiển hỏa lực cho dòng xe này. Lớp giáp bổ sung mặt trước giúp T-62M có khả năng phòng thủ gần tương đương xe tăng chủ lực T-64A và T-72.

Hệ thống điều khiển hỏa lực Volna trên T-62M được lắp thiết bị đo xa laser, cùng kính ngắm đời mới cho pháo thủ và trưởng xe, hệ thống ổn định và máy tính đường đạn cũng được nâng cấp. T-62M có thể sử dụng tên lửa chống tăng phóng qua nòng 9M117 Bastion.

Tuy nhiên, các gói nâng cấp này cũng không giúp T-62M được quân đội Nga ưa chuộng, khi họ có các mẫu T-72, T-80 và T-90 hiện đại hơn. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, Nga đang niêm cất 10.000 xe tăng và 8.500 xe thiết giáp, trong đó có khoảng 2.500 chiếc T-62.

Số T-62 niêm cất khổng lồ này có thể giúp Nga đạt ưu thế về số lượng trên chiến trường Ukraine, trong bối cảnh đà tiến của họ gặp nhiều khó khăn do nỗ lực kháng cự của đối phương.

Serhiy Nikiforov, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine, cho biết lực lượng Nga đông gấp 7 lần quân đội Ukraine ở các khu vực phía đông đất nước.

Xe tăng T-62MV trên một đoàn tàu tại Nga. Ảnh: SOFREP.

Xe tăng T-62MV trên một đoàn tàu tại Nga. Ảnh: SOFREP.

Pháo U-5TS 115 mm trên xe tăng T-62 kém uy lực hơn rất nhiều so với pháo 125 mm của T-72 và T-80, nhưng đủ sức bắn phá công sự kiên cố của Ukraine. Đạn pháo 115 mm cũng rẻ hơn so với đạn của xe tăng T-72 và T-80.

Nga cũng có khả năng trang bị những chiếc T-62M cho dân quân ly khai ở miền đông Ukraine. Trong những năm qua, lực lượng này thường được viện trợ nhiều loại xe tăng, thiết giáp và khí tài quân sự cũ hơn vũ khí trong biên chế quân đội chính quy Nga.

Loạt xe T-62M trong tay lực lượng ly khai sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ các khu vực hậu phương mà Nga đang kiểm soát, vốn có mức độ rủi ro thấp hơn tiền tuyến. Đảm bảo an ninh hậu tuyến là vấn đề không nhỏ khi lực lượng Nga ngày càng mở rộng vùng kiểm soát ở Ukraine.

Bình luận viên Helfrich cho rằng T-62 có thể thực hiện sứ mệnh đầy thách thức này, cho phép những xe tăng chủ lực hiện đại hơn tập trung chiến đấu ở tiền tuyến.

Vị trí của Melitopol. Đồ họa: BBC.

Vị trí thành phố Kherson ở miền nam Ukraine. Đồ họa: BBC.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga rút xe tăng T-62M từ kho niêm cất ra chiến trường. Chúng từng được điều động trong cuộc chiến chớp nhoáng với Gruzia năm 2008. Nga cũng gửi hàng loạt xe tăng T-62M đến Syria năm 2020 để bổ sung khí tài cho quân đội chính phủ nước này.

“Xe tăng T-62 khó giải quyết triệt để những vấn đề mà lực lượng tăng chủ lực Nga đang đối mặt hiện nay, nhưng chúng có thể giúp Moskva tăng cường đáng kể số lượng khí tài để đẩy mạnh đà tiến công ở miền đông Ukraine, cũng như đảm bảo an ninh tốt hơn cho các khu vực hậu phương mà họ giành được”, Helfrich nhận định.

Duy Sơn (Theo Drive)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*