Nông thôn Trung Quốc trợ cấp 7.500 USD để hút nhân tài

Chính quyền tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, hôm 5/6 tuyên bố sẽ trợ cấp hàng năm 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD) cho những sinh viên tốt nghiệp đại học chọn về nông thôn làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y học, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.

Đây là khoản tiền không nhỏ ở Vân Nam, nơi hầu như người lao động kiếm được dưới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD) mỗi tháng. Không rõ tổng chi phí cho chính sách trợ cấp này là bao nhiêu hay chính sách này có thể lấp đầy bao nhiêu công việc ở vùng nông thôn Vân Nam.

Học sinh tập trung ôn thi ở thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hồi tháng 5/2021. Ảnh: Reuters.

Học sinh ôn thi ở thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, hồi tháng 5/2021. Ảnh: Reuters.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên và sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đều ở mức cao kỷ lục. Chính quyền trung ương Trung Quốc đã đề nghị giới chức địa phương đi đầu trong thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Trung Quốc đang cố giữ mức tỷ lệ thất nghiệp dưới 5,5% trong năm nay.

Do ảnh hưởng từ Covid-19 và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị Trung Quốc tăng lên 6,1% hồi tháng 4, mức cao nhất trong hai năm và là mức cao thứ hai kể từ năm 2018, khi giới chức lần đầu thống kê dữ liệu.

Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc cũng tăng kỷ lục lên 18,2% hồi tháng 4. Các nhà nhân khẩu học và chuyên gia đều lo ngại rằng tình hình này còn tồi tệ hơn khi 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu lao vào kiếm việc năm nay.

Nhiều chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp hỗ trợ ổn định việc làm. Tỉnh Liêu Ninh mở các lớp đào tạo nghề miễn phí trong 6 tháng cho sinh viên mới tốt nghiệp và người thất nghiệp đã tốt nghiệp đại học trong ba năm trở lại đây. Tỉnh Hà Nam cũng đang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy tìm việc làm và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng.

Nhiều người Trung Quốc ngày càng có xu hướng tìm những công việc ổn định, thậm chí có xu hướng cử nhân các trường đại học danh tiếng chọn thi công chức ở các khu vực nông thôn. Nhiều người thờ ơ với công ty tư nhân và nước ngoài dù mức lương hấp dẫn hơn.

Với chính sách thu hút nhân tài, một huyện tương đối nhỏ với khoảng 200.000 dân ở tỉnh Chiết Giang năm nay đã tuyển được 24 người với mức “chọi” cao, trong đó hầu hết có bằng thạc sĩ và 4 người có bằng tiến sĩ.

Tại một huyện khoảng 350.000 dân ở tỉnh Quảng Đông, 700 ứng viên có trình độ sau đại học từ các trường hàng đầu Trung Quốc cũng như hàng đầu thế giới đã ứng tuyển các vị trí công chức.

Theo Tommy Wu, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, các biện pháp mới ở Vân Nam cũng như biện pháp tương tự ở các tỉnh khác sẽ giúp ích cho những công ty đang cố gắng tuyển nhân sự, đồng thời giúp các sinh viên mới ra trường có việc làm.

“Nhưng Trung Quốc cần phải khởi động lại nền kinh tế sau các vấn đề trong vài tháng qua, để điều kiện của thị trường lao động được cải thiện”, Wu nói.

Ngọc Ánh (Theo SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*