Tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc ‘mang nhược điểm của F-35 Mỹ’

Hình ảnh độ nét cao được chia sẻ trên Twitter hôm 22/7 cho thấy nguyên mẫu tiêm kích hạm tàng hình FC-31 mang số hiệu 350003 của Trung Quốc. Thời gian và địa điểm chụp ảnh không được tiết lộ, nhưng dường như tiêm kích được chụp tại cơ sở thử nghiệm của Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương.

Nguyên mẫu FC-31 số hiệu 350003 trong ảnh công bố hôm 22/7. Ảnh: Twitter/Nickatgreat1220.

Nguyên mẫu FC-31 số hiệu 350003 trong ảnh công bố hôm 22/7. Ảnh: Twitter/Nickatgreat1220.

Bức ảnh cho thấy kính buồng lái tiêm kích FC-31 mở về phía trước và có tấm chắn cứng sát phía sau ghế phi công, tương tự thiết kế trên mẫu F-35B Mỹ. Đây được coi là nhược điểm trên buồng lái F-35B, bởi nó gây cản trở đáng kể tầm nhìn phía sau của phi công, cũng như tạo cảm giác buồng lái không liền mạch với khung thân của phi cơ.

Tập đoàn Lockheed Martin phải chọn thiết này để dành chỗ cho cánh quạt nâng sau buồng lái và nhiều bộ phận riêng biệt trên biến thể F-35B. “Việc không thể trực tiếp nhìn sau lưng vẫn là một trong những lời than phiền thường gặp nhất của phi công F-35B”, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.

Trevithick tỏ ra băn khoăn về lý do nhà sản xuất Trung Quốc chọn phương án thiết kế có nhiều nhược điểm như vậy, trong khi FC-31 chưa có phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B.

Kính buồng lái tiêm kích FC-31 mở về phía trước và có tấm chắn cứng phía sau. Ảnh: Twitter/Nickatgreat1220.

Kính buồng lái tiêm kích FC-31 mở về phía trước và có tấm chắn cứng phía sau. Ảnh: Twitter/Nickatgreat1220.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng khu vực sau ghế lái phi công FC-31 có thể là khoang nhiên liệu bổ sung, giúp tăng tầm bay cho phi cơ.

“Tối đa hóa lượng dầu mang theo là ưu tiên tuyệt đối với tiêm kích hạm làm nhiệm vụ xa bờ và không thể quay về sân bay dự bị trong đất liền. Đánh đổi tầm nhìn phía sau của phi công để mang thêm dầu là điều dễ hiểu với tiêm kích hai động cơ như vậy”, cây bút Tyler Rogoway của Drive nhận định.

Ảnh chụp còn cho thấy FC-31 được lắp hai động cơ với cửa xả khí dạng răng cưa. Đây nhiều khả năng là động cơ WS-21, hay còn gọi là WS-13X, được phát triển từ mẫu WS-13 trên tiêm kích JF-17. Trung Quốc nghiên cứu động cơ WS-13 từ thập niên 2000 nhằm thay thế động cơ Klimov RD-93 do Nga cung cấp.

Cửa khoang chứa càng đáp mũi máy bay có viền răng cưa, trong khi cửa khoang càng chính có hình thang, nhằm giảm độ phản xạ radar trên thân máy bay. Vỏ ngoài nguyên mẫu FC-31 có vẻ láng mịn, những bộ phận dễ phản xạ radar như ăng ten và khoảng trống giữa các tấm thân vỏ đều được giấu kín.

Đây là ảnh chụp rõ nét đầu tiên về dòng tiêm kích tàng hình trên hạm của Trung Quốc. Những hình ảnh trước đây có độ phân giải thấp và chụp từ khoảng cách xa, cho thấy nguyên mẫu FC-31 đầu tiên trong lớp sơn nền màu xanh.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hồi tháng 6 cho biết nguyên mẫu FC-31 mang động cơ WS-21 sẽ được ra mắt tại Triển lãm hàng không Chu Hải tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Nguyên mẫu tiêm kích hạm FC-31 bay thử hồi cuối năm 2021. Ảnh: Twitter/Rupprecht_A.

Nguyên mẫu tiêm kích hạm FC-31 bay thử hồi cuối năm 2021. Ảnh: Twitter/Rupprecht_A.

FC-31 là dự án tiêm kích tàng hình thế hệ 5 do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương tự phát triển, không sử dụng nguồn vốn quân đội. Nguyên mẫu đầu tiên bay thử vào năm 2012, nhưng không thu hút được đơn hàng nào từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Nguyên mẫu tiêm kích hạm bắt đầu xuất hiện từ năm 2021, dường như sử dụng khung thân của chiếc FC-31 thứ hai. Hãng sản xuất chưa đặt tên cho nguyên mẫu tiêm kích hạm mới, một số nguồn tin cho biết máy bay có thể được gọi là J-35.

Hải quân Trung Quốc đang cần một mẫu tiêm kích hạm đa năng mới, do dòng J-15 gặp trục trặc vì hệ thống điều khiển bay thiếu ổn định và từng xảy ra hai vụ tai nạn chết người liên quan tới lỗi này. J-15 là một trong những tiêm kích hạm nặng nề nhất thế giới, khiến chúng phải bỏ bớt nhiên liệu và vũ khí để có thể cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là đã dừng dây chuyền sản xuất J-15 sau khi xuất xưởng 24 chiếc năm 2017. Tuy nhiên, một số nguồn tin năm 2020 cho biết một lô J-15 mới bắt đầu được chế tạo để đáp ứng nhu cầu xây dựng các không đoàn tàu sân bay mới.

Vũ Anh (Theo Drive)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*