Việc sớm tái khởi động công tác thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành đang là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Bộ GTVT và VEC. |
Theo lãnh đạo VEC, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT trong vai trò chủ quản dự án đã rất trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan và cũng như có những chỉ đạo sát sao chủ đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc kéo dài, nhằm khởi động công trình trong quý I/2023 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2023, trên cơ sở đề xuất của VEC, Bộ GTVT đã có tờ trình số 12266/TTr – Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Tại tờ trình này, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025, gia hạn Hiệp định vay JICA lần 2 đến ngày 31/12/2025; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án còn 30.073 tỷ đồng, giảm 1.247 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn trong Dự án, trong đó cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành Dự án: 758 tỷ đồng vốn đối ứng và 4.358 tỷ đồng để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây (1.778 tỷ đồng), phía Đông (800 tỷ đồng), đầu tư các nhà trạm thu phí (230 tỷ đồng), đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 (1.100 tỷ đồng) và các hạng mục bổ sung khác…
“Đây là giải pháp mang tính căn cơ để tháo gỡ nút thắt cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành”, lãnh đạo VEC đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, VEC là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, được thành lập để đầu tư, quản lý vận hành đường cao tốc. VEC chỉ có một nguồn thu duy nhất từ việc khai thác, thu phí các tuyến đường cao tốc, không có nguồn thu chủ động khác để có thể cân đối, sử dụng. Hiện nay, VEC chưa có cơ chế để có thể chủ động, linh hoạt cân đối, sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Căn cứ tình hình tài chính hiện nay, sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn đã cam kết (bao gồm nghĩa vụ trả nợ quốc gia và nghĩa vụ trả nợ đối với Dự án), nguồn vốn hợp pháp của VEC đảm bảo đủ để cân đối vốn cho các hạng mục, công việc trong Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Thực tế đến nay, VEC luôn hoàn thành đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ (bao gồm trả nợ gốc, nợ lãi các khoản vay ODA đến hạn, các khoản nợ Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn và các nghĩa vụ với cơ quan thuế).
Liên quan đến vấn đề này, trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì 3 cuộc họp (cuộc họp gần nhất ngày 16/02/2023, Thông báo số 38/TB-VPCP ngày 21/2/2023 của Văn phòng Chính phủ) với các Bộ để tháo gỡ cơ chế vốn theo hướng giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án.
Bộ GTVT và VEC kiến nghị cho phép VEC được chủ động cân đối, sử dụng ngồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay (đã tính toán đầy đủ nghĩa vụ nợ) để bố trí số vốn đối ứng còn lại của Dự án (khoảng 758 tỷ đồng).
Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ Tài chính, nguồn thu phí do VEC quản lý (là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước) thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho Dự án là không phù hợp.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đang gặp vướng mắc rất lớn về thủ tục pháp lý từ liên quan đến việc sử dụng dòng tiền tạm thời nhàn rỗi của VEC để hoàn thiện tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Nếu không được thông qua, Dự án sẽ tiếp tục bị dừng giãn tiến độ, chưa thể xác định thời điểm hoàn thành do VEC không thể huy động được vốn vay nước ngoài cũng như tự sử dụng vốn của VEC đang quản lý để thực hiện đầu tư.
Được biết, để sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nguồn vốn cho Dự án, VEC kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm ban hành Báo cáo kết quả thẩm định để Bộ GTVT và VEC có cơ sở hoàn thiện hồ sơ, làm rõ ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để VEC có thể sử dụng nguồn vốn hợp pháp (sau khi tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) để đầu tư, hoàn thành Dự án.
Trong khi chủ trương đầu tư Dự án chưa được phê duyệt, VEC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc đối với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025 để Bộ GTVT có cơ sở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục còn lại của gói thầu J3 (cầu Phước Khánh) và gia hạn thời gian thực hiện cho gói J1 (cầu Bình Khánh) và gói thầu Tư vấn giám sát.
Bên cạnh đó, VEC kiến nghị Thủ tướng cho phép đơn vị được chủ động, cân đối các nguồn vốn hợp pháp của VEC (sau khi tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) để bố trí ngay nguồn vốn hoàn thành các hạng mục còn lại, vốn đối ứng của Dự án.
VEC cũng xin cấp có thẩm quyền cho thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ (nếu có) mà nhà thầu khiếu nại thành công (do Dự án không được bố trí vốn, phải dừng thi công kéo dài và chấm dứt Hợp đồng) theo quy định của Hợp đồng FIDIC, pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Các chi phí này chỉ được thanh toán sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận và cập nhật vào tổng mức đầu tư Dự án.
Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km, qua các tỉnh: Long An (2,7 km), TP.HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, sử dụng 03 nguồn vốn: vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vay JICA (11.975,7 tỷ đồng), và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng).
Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính: Đoạn 1 phía Tây (5 gói thầu A1÷A4) sử dụng vốn vay ADB, Đoạn 2 (3 gói thầu J1÷J3) sử dụng vốn vay JICA; Đoạn 3 phía Đông (03 gói thầu A5÷A7) sử dụng vốn vay ADB. Dự án được khởi công từ tháng 7/2014, các đoạn tuyến (ADB phía Tây, JICA, ADB phía Đông) sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công.
Dự án khởi công tháng 10/2014, trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến Dự án không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ giữa năm 2019.
Do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công khỏi công trường và giá gói thầu cũ không còn phù hợp sau thời gian dài biến động lớn về giá cả nguyên nhiên vật liệu, nhân công nên một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng.
Về Hiệp định vay, trong Dự án hiện chỉ còn Hiệp định vay ADB lần 2 (286 triệu USD) cho các gói thầu đoạn phía Đông có hiệu lực đến ngày 31/12/2023 và Hiệp định vay JICA lần 2 (31,328 tỷ JPY) cho các gói thầu đoạn JICA có hiệu lực đến ngày 17/7/2024. Toàn tuyến có 11 gói thầu xây lắp chính (trong đó có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành, 4 gói thầu chấm dứt hợp đồng đấu thầu lại, các gói còn lại đang thi công)
Hiện VEC đang nỗ lực xử lý hợp đồng với các nhà thầu, lựa chọn nhà thầu mới để triển khai thi công toàn bộ công trường. Thời gian hoàn thành Dự án là ngày 31/12/2023, cần điều chỉnh đến ngày 30/9/2025.
Để lại một phản hồi