Trong cuộc gặp ngày 6/1 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm trao đổi về cuộc khủng hoảng ở nước này cũng như nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự. Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng ông “sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Zelensky khi điều kiện và thời gian phù hợp”.
Ông Tập và ông Zelensky đã không tiến hành bất cứ cuộc trao đổi nào kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 bất chấp nhiều nỗ lực kết nối từ Kiev.
Hôm 21/3, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Kiev đã đề xuất khả năng tổ chức một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Zelensky với Chủ tịch Tập và đang chờ phản hồi. Tổng thống Zelensky gần đây mời Chủ tịch Tập tới thăm Ukraine và bày tỏ mong muốn đối thoại với ông, nhưng cũng chưa không nhận được câu trả lời.
Những bình luận từ các lãnh đạo cấp cao Ukraine cho thấy Kiev vẫn nuôi hy vọng và dường như đang cố gắng thuyết phục Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.
Bản thân Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng hình ảnh là một bên trung gian hòa giải cho xung đột Nga – Ukraine với đề xuất 12 điểm mà Bắc Kinh đưa ra hồi tháng trước, kêu gọi xuống thang căng thẳng.
Hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới thăm Bắc Kinh hôm 6/4, ông Tập tuyên bố “các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine cần được nối lại càng sớm càng tốt” và kêu gọi chính phủ các nước không làm bất cứ điều gì có thể “khiến cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn hay vượt tầm kiểm soát”.
Ông cũng nói “quan ngại an ninh hợp lý của tất cả các bên” cần được xem xét trong quá trình này, dường như đề cập đến tuyên bố của Nga rằng một trong những lý do buộc nước này mở chiến dịch ở Ukraine là do đà mở rộng về phía đông của NATO.
Giới quan sát nhận định phát biểu của ông Tập cho thấy Trung Quốc sẽ không sử dụng đòn bẩy của mình như một đối tác ngoại giao của Nga để gây sức ép buộc Moskva hướng đến giải pháp cho cuộc xung đột. Nó cũng thể hiện Bắc Kinh không thay đổi lập trường của mình ngay cả khi đã đưa ra đề xuất hòa bình 12 điểm và nhận được phản hồi tích cực từ phía Kiev.
Oleksandr Musiyenko, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý, trụ sở ở Kiev, nhận định nỗ lực cố gắng thu hẹp khoảng cách và kết nối với Trung Quốc để tìm giải pháp cho xung đột là nhiệm vụ đầy thách thức với Ukraine.
“Sau chuyến thăm của ông Tập tới Moskva, Ukraine không còn nhiều động lực để trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc, khi Bắc Kinh dường như đã chọn đứng về phía Moskva”, Musiyenko nói. “Tôi không cho rằng đề xuất hòa bình của Trung Quốc là thỏa thuận tốt với Ukraine”.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Moskva cuối tháng trước, lãnh đạo Nga – Trung đã cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine, song không đề cập đến lộ trình cụ thể để dẫn tới mục tiêu này.
Kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc cũng không nêu các bước cụ thể để giảm căng thẳng. Nó không đề cập gì tới trở ngại lớn nhất hiện nay là Nga khó có khả năng rút quân khỏi Ukraine, trong khi Kiev chỉ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán nếu Moskva rút toàn bộ lực lượng.
Dù vậy, Kiev vẫn kỳ vọng rất lớn vào vai trò của Bắc Kinh, điều được thể hiện rõ ràng khi Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine không đưa ra bất kỳ lời chỉ trích nào đối với những cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng trong quan hệ quốc tế, vấn đề lợi ích luôn là yếu tố rất quan trọng. Trong khi Nga và Trung Quốc có thể mang lại cho nhau nhiều lợi ích về chính trị và kinh tế, Kiev có rất ít thứ có thể “đền đáp” Bắc Kinh.
Liệu Trung Quốc có thể giúp mang lại hòa bình cho Ukraine hay không là điều không thể chắc chắn do “lập trường trung lập” của Bắc Kinh, theo chuyên gia phân tích địa chính trị Andrius Tursa và Gabriel Wildau từ công ty tư vấn Teneo Intelligence, trụ sở tại New York.
Họ dự đoán ông Tập rốt cuộc có thể liên lạc với lãnh đạo Ukraine để đề xuất một giải pháp cho cuộc xung đột. Nhưng điều đó có thể xảy ra trong tương lai xa, bởi đến nay, “những đề xuất hòa bình của Trung Quốc vẫn quá chung chung”.
“Với những đòn bẩy lớn mà Trung Quốc đang nắm giữ, về lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây sức ép để Moskva chấp nhận một số nhượng bộ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng sử dụng đòn bẩy này để làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình hay không. Hơn nữa, Kiev và các đồng minh phương Tây vẫn duy trì quan điểm rằng bất kỳ để xuất nào mà trong đó Nga vẫn kiểm soát lãnh thổ Ukraine đều không thể chấp nhận được”, Tursa và Wildau nhấn mạnh.
Musiyenko, chuyên gia quân sự và pháp lý tại Kiev, thì cho rằng Ukraine nên hướng tới các đồng minh phương Tây và cố gắng vận động ủng hộ từ những nước như Ấn Độ, hơn là tìm cách kết nối với Trung Quốc.
“Ukraine tốt hơn hết là củng cố liên minh phương Tây của mình”, ông nói. “Có lẽ trong tương lai, liên minh này sẽ bao gồm cả Ấn Độ và tôi nghĩ Kiev cần phải đứng về phía này”.
Trong khi đó, Danilo Turk, cựu tổng thống Slovenia, người hiện giữ chức chủ tịch Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid), nói với Global Times rằng đề xuất hòa bình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra không phải ý tưởng cố định, mà là một văn kiện thiết lập khung ý tưởng để các bên có thể tính toán những bước đi tiếp theo.
“Những bước đi này sẽ bao gồm xây dựng một kế hoạch hòa bình, xác định những quốc gia muốn tham gia một cách chủ động vào quá trình đó”, ông Turk nói. “Tôi tin Trung Quốc sẽ chào đón các nước khác tham gia vào kế hoạch này”.
Trong họp báo ngày 6/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh chĩa mũi dùi vào NATO, cho rằng khối cần phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Liên minh quân sự này cần phải giải quyết vấn đề của họ và không có tư cách trách móc hay gây sức ép với Trung Quốc”, bà Mao nói.
Vũ Hoàng (Theo CNBC, AP, Global Times, TASS)
Để lại một phản hồi