“Sự đoàn kết được thể hiện bằng vũ khí. Câu hỏi của tôi là, sự đoàn kết này có được thể hiện trên thực tế không? Tôi không thấy điều đó. Chúng ta chỉ có lợi thế to lớn trước Nga nếu chúng ta thực sự đoàn kết”, Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trong một cuộc thảo luận về Ukraine tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hôm nay.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các nước châu Âu đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine muốn phương Tây hỗ trợ nhiều hơn, trong đó có khả năng NATO kết nạp quốc gia này làm thành viên và thiết lập vùng cấm bay. Kiev cũng yêu cầu được chuyển giao các khí tài hạng nặng như tiêm kích, nhưng không được phương Tây đáp ứng.
Ông Zelensky cho biết Ukraine rất biết ơn sự hỗ trợ từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng các nước châu Âu đang dần bớt quyết tâm trong vấn đề này.
“Chúng tôi đang ở lục địa châu Âu và chúng tôi cần sự hỗ trợ của một châu Âu thống nhất”, ông nói, nêu đích danh nước láng giềng Hungary, quốc gia phản đối lệnh cấm dầu Nga do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất. “Hungary không đoàn kết như phần còn lại của EU”.
Ông cũng chỉ ra sự thiếu đồng thuận trong nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không ủng hộ.
“Liệu có sự đoàn kết trong việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không? Không hề có. Phương Tây có mối gắn kết mạnh mẽ không? Cũng không có”, Tổng thống Ukraine nói.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong EU, phản đối các biện pháp trừng phạt với dầu mỏ Nga mà 26 quốc gia thành viên khác đã phê duyệt. EU đã rất nỗ lực thuyết phục Hungary chấp thuận kế hoạch cấm dầu Nga, nhưng đến nay chưa thành công.
Trong khối NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, dù phần còn lại của khối đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ. Theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối của NATO, cánh cửa vào liên minh sẽ đóng sập với Phần Lan và Thụy Điển nếu họ không được Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý.
Những tuyên bố, hành động của Thủ tướng Hungary và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các liên minh phương Tây như EU và NATO rơi vào bế tắc trong nỗ lực tăng trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, thậm chí phơi bày và làm sâu sắc thêm những lục đục, mâu thuẫn trong nội bộ, David A. Andelman, nhà bình luận chính trị kỳ cựu của CNN, nhận định.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi