Ông Rajapaksa đã được bộ trưởng và các chính trị gia chào đón khi ông xuống sân bay quốc tế chính của Sri Lanka . Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng lâu dài của ông ở quốc gia Ấn Độ Dương này.
“Đã có rất nhiều chính trị gia của Chính phủ (Sri Lanka) đến tặng vòng hoa cho ông ấy khi ông ấy bước ra khỏi máy bay”, một quan chức Sri Lanka nói với hãng tin AFP.
Cựu Tổng thống Sri Lanka đã chạy trốn khỏi đất nước dưới sự hộ tống của quân đội vào giữa tháng 7 sau khi đám đông người dân không có vũ trang xông vào dinh thự của ông, sau nhiều tháng biểu tình giận dữ đổ lỗi cho ông về cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có diễn ra tại quốc gia này.
Ông đã gửi đơn từ chức từ Singapore trước khi bay sang Thái Lan, từ đó ông đã đề nghị người kế nhiệm, ông Ranil Wickremesinghe, tạo điều kiện cho ông trở về nước.
Nhà lãnh đạo 73 tuổi bay từ Bangkok (Thái Lan) qua Singapore trên một chuyến bay thương mại trở về nước, kết thúc 52 ngày sống lưu vong của mình.
Cựu Tổng thống 73 tuổi đã trở về từ Bangkok qua Singapore. (Ảnh: NDTV)
Một quan chức quốc phòng giấu tên nói với AFP: “Ông ấy đã sống trong một khách sạn ở Thái Lan và rất muốn quay trở lại. Chúng tôi đã thành lập mới một đơn vị an ninh để bảo vệ ông Rajapaksa sau khi ông ấy trở về. Đơn vị này bao gồm các sĩ quan quân đội và cảnh sát biệt kích”.
Các chính trị gia đối lập đã cáo buộc Tổng thống Sri Lanka đương nhiệm Wickremesinghe “che chắn” cho gia tộc Rajapaksa quyền lực một thời.
Hiến pháp Sri Lanka đảm bảo vệ sĩ, phương tiện và nhà ở cho các cựu Tổng thống, bao gồm cả ông Gotabaya và anh trai của ông, đồng thời là cựu Tổng thống Mahinda.
Việc ông Gotabaya Rajapaksa từ chức đã chấm dứt quyền miễn trừ Tổng thống của ông. Và các nhà hoạt động nhân quyền cho biết họ sẽ hối thúc yêu cầu bắt ông Rajapaksa vì nhiều tội danh, bao gồm cáo buộc ông có vai trò trong vụ ám sát biên tập viên nổi tiếng Lasantha Wickrematunge vào năm 2009.
Tharindu Jayawardhana, phát ngôn viên của Hiệp hội Nhà báo trẻ Sri Lanka, cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh quyết định trở về của ông ấy, qua đó chúng tôi có thể đưa ông ấy ra trước công lý vì những tội ác mà ông ấy đã gây ra”.
Cựu Tổng thống Rajapaksa cũng phải đối mặt với các cáo buộc tại một tòa án ở bang California, Mỹ về vụ ám sát ông Wickrematunge và việc tra tấn các tù nhân Tamil trong cuộc nội chiến ở quốc đảo này vào năm 2009.
Để lại một phản hồi